Dẫn đầu một Châu Á đổi mới tài chính với Ngân hàng mở (OPEN BANKINg)
Ngân hàng mở (Open Banking) là một trong những đổi mới quan trọng nhất đối với các dịch vụ tài chính tiêu dùng trên toàn thế giới, giúp tăng cường kết nối giữa các ngân hàng, fintech và các phân khúc tài chính khác. Điều này giúp cải thiện sự cạnh tranh của các nhóm ngành trên cũng như gia tăng khả năng tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm và dịch vụ tài chính khác.
Ngân hàng mở (Open Banking) là gì?
Chỉ thị Dịch vụ thanh toán châu Âu 2018 (PSD2) thiết lập một khung pháp lý cho các luồng dữ liệu an toàn và tạo ra một thị trường tích hợp cho thanh toán kỹ thuật số bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn chung về xác thực, quyền riêng tư, bảo mật và tính di động của dữ liệu. PSD2 cũng buộc các ngân hàng cung cấp cho các nhà cung cấp (bên thứ ba) quyền truy cập vào dữ liệu khách hàng. Châu Âu là một trong những khu vực đầu tiên áp dụng hệ thống Ngân hàng mở. Điển hình như ở Vương Quốc Anh, khi triển khai PSD2, quốc gia này đã mở rộng theo chỉ thị tập trung vào thanh toán, bắt buộc tất cả dữ liệu tài chính phải được mở cho người tiêu dùng và cũng quy định rằng các tổ chức tài chính phải cung cấp API để chuyển giao chức năng của dữ liệu đó. Chính cách tiếp cận này của Vương quốc Anh đã trở thành tiêu chuẩn thực tế để mô tả về Ngân hàng mở.
Đối với châu Á, một số quốc gia đã bắt đầu tiến hành triển khai hệ thống Ngân hàng mở khi nhận ra những lợi ích mà Ngân hàng mở có thể mang lại, mặc dù không nhất thiết phải có quyền truy cập mở bằng API.


Tác động của Ngân hàng mở đối với các quốc gia châu Á
Ngân hàng mở có tiềm năng tạo ra các cơ hội cho sự thúc đẩy về tài chính của những nhóm khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng cũng như chưa tiếp cận được đầy đủ các dịch vụ từ ngân hàng theo nhiều cách khác nhau.
Riêng ở châu Á, nơi có hơn 4 tỷ người, vẫn có một số người dân chưa có tài khoản ngân hàng cũng như chưa tiếp cận được đầy đủ các dịch vụ từ ngân hàng, đây là nhóm khách hàng tiềm năng để khai thác phục vụ và đưa vào hệ thống tài chính, nhằm mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp, công ty tài chính truyền thống và người mới tìm hiểu về công nghệ.
Bằng cách tạo điều kiện truy cập dữ liệu ngân hàng, Ngân hàng mở có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho các sản phẩm và dịch vụ tài chính mới, chẳng hạn như tiếp cận dịch vụ bảo hiểm và nâng ngạch hạn mức tín dụng. Ví dụ, tại Indonesia, Bank Andara và Fundamo đã ra mắt mạng lưới dịch vụ tài chính vi mô hỗ trợ di động, được xây dựng trên các API mở, cho phép các tổ chức tài chính vi mô có thể tiếp cận tới 40 triệu người Indonesia đã bị loại trừ tài chính trước đây. Ngân hàng mở có thể giúp họ tiếp cận các dịch vụ sáng tạo như bảo hiểm vi mô mà trước đây họ không thể tiếp cận.
Do đó, nền tảng truy cập mở có thể giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính với mức giá cạnh tranh nhất. Đối với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính, việc cung cấp nền tảng dịch vụ tốt nhất và các sản phẩm mang tính sáng tạo đến cho khách hàng với giá cả cạnh tranh có thể giúp tăng doanh thu và thị phần.
i) Tạo dựng cơ sở hạ tầng vững chắc
Tốc độ phát triển đáng kinh ngạc mà châu Á đang đi đầu trong việc số hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, phần lớn được thúc đẩy bởi sự phát triển của các nền tảng giao dịch di động, ngày càng tăng người tiêu dùng áp dụng ngân hàng kỹ thuật số và tăng cường nỗ lực của các chính phủ châu Á nhằm thúc đẩy xã hội không tiền mặt. Để sự phát triển này tiếp tục tăng trưởng bền vững, các ngân hàng cần tạo ra một cơ sở hạ tầng vững chắc. Do đó, cả hệ thống hạ tầng công nghệ và khuôn khổ pháp lý để hỗ trợ công nghệ là yêu cầu bắt buộc đang được đặt ra.
Các quốc gia Châu Á cần phải ban hành hệ thống pháp luật vững chắc để thúc đẩy Ngân hàng mở trong việc chia sẻ dữ liệu và cho phép các bên thứ ba cung cấp sản phẩm và dịch vụ trên một nền tảng tập trung. Điều này cho phép số hóa nền kinh tế châu Á, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các nền tảng công nghệ để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính hợp nhất cho khách hàng, đồng thời tăng cường cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ tài chính.
Khi các ngân hàng tham gia vào quan hệ đối tác và phát triển các nền tảng API mới, cần phải đảm bảo rằng họ luôn nhận thức được các rủi ro an ninh mạng và các vấn đề về tính ổn định đang tiềm ẩn, đồng thời thực hiện các bước để giảm thiểu chúng. Điều này nhằm giúp xây dựng niềm tin của người dùng trong việc bảo mật cơ sở dữ liệu và yên tâm sử dụng các dịch vụ sẵn có mà các Ngân hàng mở cung cấp cho họ.
ii) Bảo vệ quyền dữ liệu của khách hàng
Mặc dù Ngân hàng mở hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng nhưng việc chia sẻ dữ liệu khách hàng rộng rãi đòi hỏi các ngân hàng phải tăng cường bảo vệ dữ liệu người dùng. Đặc biệt, cần tập trung vào các vấn đề riêng tư liên quan đến dữ liệu, vì sự gia tăng số lượng kết nối khiến các bên trái phép dễ dàng truy cập và đánh cắp dữ liệu của người dùng và doanh nghiệp. Cần có một đội để kiểm tra và giám sát các truy cập trái phép. Quyền riêng tư đang nổi lên như một mối quan tâm hàng đầu trong nền kinh tế kỹ thuật số, không chỉ ở các nước châu Á mà còn trên toàn cầu.
Ngân hàng mở cũng đặt ra câu hỏi về tính minh bạch, tính trực quan và tính di động của dữ liệu người dùng. Người dùng dịch vụ tài chính mở có quyền minh bạch trong dữ liệu nào được thu thập, cách sử dụng chúng và liệu chúng có dẫn đến quyết định tài chính được đưa ra bởi nhà cung cấp không?
Vì vậy, các quốc gia châu Á có thể tham khảo Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của châu u để lấy ví dụ về các luật và quy định mới trong việc thúc đẩy bảo vệ dữ liệu trong nền kinh tế kỹ thuật số mở. GDPR chứa một loạt các tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu bao gồm các tiêu chuẩn liên quan đến quyền riêng tư, tính minh bạch và tính di động. Vì các công ty châu Á kinh doanh ở châu u phải đáp ứng các tiêu chuẩn GDPR nghiêm ngặt, kinh nghiệm của họ trong việc tuân thủ các quy định bảo vệ dữ liệu có thể giúp bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu người dùng trong một hệ thống Ngân hàng mở ở châu Á.
iii) Xây dựng bộ tiêu chuẩn cho Open API mở đối với khu vực Châu Á
Khi các nước châu Á bắt đầu đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống Ngân hàng mở, các tiêu chuẩn chung dành riêng cho châu Á, hay thậm chí, các tiêu chuẩn toàn cầu vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, nếu các quốc gia trong khu vực hướng tới việc thống nhất một bộ tiêu chuẩn chung đối với toàn bộ hệ thống Open APIs, điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của các Ngân hàng mở (Open Banking) trong tương lai gần. Ví dụ, một số quốc gia như Ấn Độ đang ban hành các yêu cầu nội địa hóa dữ liệu nghiêm ngặt cho các hoạt động tài chính địa phương, buộc các doanh nghiệp đa quốc gia hoạt động tại quốc gia này phải xem xét lại việc quản trị dữ liệu. Các quốc gia như vậy có quyền yêu cầu bản địa hóa dữ liệu trên cơ sở bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư. Chính những yêu cầu như vậy sẽ hạn chế đáng kể tính di động và khả năng tương tác của dữ liệu xuyên biên giới.
Hiện tại, các quốc gia ở châu Á sẽ phải đối mặt với một số vấn đề khi dự tính xây dựng một khuôn khổ Ngân hàng mở. Các quốc gia nên áp dụng cách tiếp cận công nghệ trung lập hay yêu cầu các công nghệ cụ thể như API? Dữ liệu người dùng có giá trị sẽ được bảo vệ như thế nào đồng thời thúc đẩy tính minh bạch, dễ hiểu và tính di động của dữ liệu? Làm thế nào các nước Châu Á có thể phát triển các tiêu chuẩn khu vực của riêng họ trong khi vẫn đảm bảo tính tương tác và tính khả chuyển của dữ liệu trên toàn cầu?
Không có giải pháp nào "phù hợp cho tất cả" (one-size-fits-all solution) để triển khai hệ thống Ngân hàng mở ở châu Á và mỗi câu hỏi được đặt ra sẽ cần được suy nghĩ nghiêm túc và có lẽ phải mất rất nhiều thời gian để có thể trả lời.
Tham khảo:
1. Data sharing and Open Banking
2. Financial Industry API Register
3. Mobile payments in Vietnam fastest growing globally, Thailand emerges second in Southeast Asia.